Trong thời gian gần đây, các doanh nghiệp ồ ạt phát hành trái phiếu, với lãi suất cao, có nơi lên tới 20%. Lãi suất cao bất thường hay đi liền rủi ro.
Điển hình là vụ việc mua bán trái phiếu giữa Công ty Cp dịch vụ hỗ trợ và Phát triển đầu tư (IOC), và Ngân hàng Hàng Hải Việt Nam (MSB).
Quy mô vốn chỉ khoảng 100 tỷ, nhưng năm 2011, IOC đã phát hành trái phiếu gấp 5 lần. Vụ việc này đã xảy ra gần chục năm nhưng đến nay hậu quả để lại vẫn chưa giải quyết xong.
Lật sai phạm trong mua – bán trái phiếu IOC
Ngày 01/9/2011 Công ty IOC và Ngân hàng MSB đã ký hợp đồng mua bán trái phiếu. IOC đã phát hành 500 trái phiếu, tương đương với 500 tỷ đồng, và MSB là nhà đầu tư. Kỳ hạn trái phiếu là 5 năm, lãi suất 15%/năm đầu tiên. Ngay trong ngày ký hợp đồng, MSB đã chuyển đủ 500 tỷ đồng cho IOC.
Theo hợp đồng mua bán trái phiếu, IOC sẽ dùng 500 tỷ đồng để thực hiện dự án Sunrise Hội An. Tuy nhiên thực tế lại không như vậy
Sự việc sẽ chẳng có gì nếu như đến hạn năm 2016, IOC không thể trả nợ cho MSB, buộc Ngân hàng Hàng Hải Việt Nam phải kiện ra tòa.
Các cổ đông và HĐQT nhiệm kỳ mới của IOC đã rà soát hồ sơ và phát hiện ra năm 2011, IOC đã phát hành trái phiếu trái phép khi không đủ điều kiện, không tuân thủ quy định về phương thức phát hành nhưng vẫn được MSB chấp nhận mua.
Theo Nghị định 52/2006/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, có hiệu lực tại thời điểm năm 2011 thì doanh nghiệp muốn phát hành trái phiếu phải có đủ 5 điều kiện, trong đó quan trọng nhất là phải có báo cáo tài chính được kiểm toán của năm liền kề trước năm phát hành trái phiếu, có phương án phát hành trái phiếu được tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thông qua.
Trong khi đó, ngày 10/9/2011, tức là 10 ngày sau khi phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu cho MSB, IOC mới có báo cáo kiểm toán;
Ngoài ra, Biên bản Họp HĐQT của IOC ngày 12/8/2011 về việc thông qua việc phát hành trái phiếu riêng lẻ, có chữ ký của ông Huỳnh Trung Nam, thành viên HĐQT bị làm giả. Chữ ký này sau đó đã được Viện Khoa học Hình sự, Bộ Công an giám định với các văn bản mà ông Nam ký trước đó, kết quả là không phải do cùng 1 người ký ra;
Đặc biệt, IOC phát hành trái phiếu trực tiếp đến nhà đầu tư, không theo bất cứ 1 phương thức nào được quy định tại Nghị định 52, đó là các phương thức bảo lãnh, qua đại lý phát hành, hoặc đấu thầu.
MSB đã mua trái phiếu trực tiếp của IOC với số tiền 500 tỷ đồng không hề có bảo đảm bằng tài sản hay bảo lãnh phát hành của tổ chức nào. Chính điều này đã dẫn đến việc IOC không trả được nợ, tranh chấp, kiện tụng chưa hề dứt giữa hai bên.
“Việc phiếu hành trái phiếu IOC diễn ra giai đoạn 2011, đó là thời điểm của ban điều hành cũ. Ban điều hành hiện tại khi rà soát hồ sơ mới phát hiện ra sự việc. Tất cả các bên liên quan phải xem xét lại để đánh giá thêm, phải tuân thủ Luật doanh nghiệp và Nghị định 52, ban điều hành công ty tại thời điểm đó nếu có hành vi sai phạm nghiêm trọng thì cần phải xem xét các bên liên quan” – Bà Đỗ Thị Thùy Dương – Trưởng phòng pháp chế Công ty Cổ phần Dịch vụ và Khách sạn Đại Dương (OCH) – Đại diện cổ đông của IOC cho biết.
IOC đã có dấu hiệu vi phạm điều 128 Bộ luật dân sự 2005 về việc vi phạm điều cấm của pháp luật, phát hành trái phiếu khi chưa đủ điều kiện theo quy định, đó là ý kiến của luật sư Trương Thanh Đức – Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico.
Cũng theo ông, không đủ 1 trong những điều kiện đó thì sẽ bị xử lý xử phạt, và không loại trừ khi có tranh chấp xảy ra thì hợp đồng mua bán trái phiếu đó vô hiệu. Và trách nhiệm thì lỗi bên nào, lỗi đến đâu, sai trái đến đâu thì sẽ phải chịu đến đấy.
Vô hiệu thì cái gốc vẫn phải trả nhưng doanh nghiệp lúc đấy trả hay không, có tài sản đảm bảo hay không, thì lại là chuyện khác. Nếu như biết sai mà vẫn làm thì lỗi của họ là 1 nửa. Có thể là tiếp tay, thông đồng, tạo điều kiện cho bên kia gian dối vi phạm dẫn dến thiệt hại của các bên, đặc biệt là thiệt hại phần vốn của nhà nước nữa thì trách nhiệm của họ, sẽ không dừng ở dân sự thậm chí còn phải hình sự, vì để thất thoát tổn thất tài sản xảy ra.
Vì sao MSB gật mua khi IOC chưa đủ điều kiện phát hành?
Về phía Ngân hàng Hàng Hải Việt Nam, dù biết IOC chưa đủ điều kiện phát hành trái phiếu nhưng vẫn đồng ý mua, khi không có tài sản đảm bảo, không có dự án, phương án sản xuất kinh doanh được thẩm định.
Điều này thể hiện bằng việc ngày 16/9/2011 sau khi đã phát hành trái phiếu được hơn nửa tháng, Bà Trần Thùy Phương – Phòng tư vấn bảo lãnh phát hành của MSB, đã yêu cầu IOC hoàn thiện các hồ sơ còn thiếu như: Báo cáo kiểm toán năm 2010, Biên bản phê duyệt của HĐQT, báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án…
Chưa có báo cáo kiểm toán, nhưng MSB vẫn mua trái phiếu của IOC với lãi suất tới 15%/năm, gấp 3 lần tỷ suất lợi nhuận sau thuế bình quân 3 năm liên tiếp của IOC là 5.3% .
Trong khi đó, Mục B, khoản 2, điều 88 Luật doanh nghiệp 2005 đã có quy định: “Công ty không được quyền phát hành trái phiếu khi tỷ suất lợi nhuận sau thuế bình quân của 3 năm liên tiếp trước đó không cao hơn mức lãi suất dự kiến cho cho trái phiếu.”
Đáng nói, theo hợp đồng mua bán trái phiếu, IOC sẽ dùng 500 tỷ đồng để thực hiện dự án Sunrise Hội An.
Thế nhưng, chỉ vài ngày sau khi nhận được tiền của MSB, IOC đã chuyển toàn bộ số tiền này để đi trả nợ cho các đơn vị khác.
Theo các luật sư, đây rất giống với hình thức vay để đảo nợ, có dấu hiệu vi phạm Chỉ thị 01/CT-NHNN. Và câu chuyện kiện tụng giữa 2 đơn vị này sau gần chục năm đến giờ vẫn chưa có hồi kết.
Siết điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp
Để quản lý tốt và ngăn chặn những rủi ro phát sinh từ việc lạm dụng huy động vốn qua trái phiếu doanh nghiệp như trên, hiện nay Bộ Tài chính đang hoàn tất, lấy ý kiến về dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 163/2018/NĐ-CP về điều kiện phát hành trái phiếu. Dự thảo nghị định sửa đổi có những điểm được coi là sẽ giúp ngăn chặn việc “vốn 1 nhưng phát hành tới 100.”
Cụ thể, dự thảo quy định về khối lượng trái phiếu riêng lẻ được phát hành không vượt quá 3 lần vốn chủ sở hữu theo báo cáo tài chính quý gần nhất.
Nếu muốn vượt quá 3 lần vốn chủ sở hữu thì phải lựa chọn kênh phát hành ra công chúng, với tiêu chuẩn, điều kiện cao hơn và công khai, minh bạch hơn. Việc này sẽ hạn chế tình trạng doanh nghiệp có quy mô vốn nhỏ phát hành trái phiếu với khối lượng lớn tiềm ẩn rủi ro cho nhà đầu tư và chính doanh nghiệp.
Số liệu từ Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội cho thấy chỉ trong năm 2019, có tới hơn chục doanh nghiệp có khối lượng phát hành vượt 50 lần vốn chủ sỡ hữu, 6 doanh nghiệp phát hành vượt 100 lần vốn sở hữu.
Thậm chí, một số doanh nghiệp còn không làm rõ mục đích sử dụng vốn và phương án thanh toán. Dự thảo cũng buộc các doanh nghiệp phát hành phải có tổ chức phát hành là các công ty chứng khoán được phép thực hiện hoạt động tư vấn.
(theo Infonet)